Học ngành Kỹ thuật điện tại Đại học Giao Thông Vận Tải - Con đường dẫn đến thành công!

Một con đường sự nghiệp thành công nhanh chóng sau khi ra trường là không dễ dàng. Vì vậy, dù muốn dù không, các bạn trẻ của chúng ta vẫn phải nỗ lực hết mình trong quá trình rèn luyện kiến thức trước. Nhiều bạn trẻ ngày nay chọn ngành Kỹ thuật điện vì cơ hội nghề nghiệp rộng mở sau khi tốt nghiệp không lâu. Đó có thể là một lý do khá thuyết phục, nhưng để hiểu rõ hơn về các chọn lựa nghề nghiệp sau khi ra trường của các kỹ sư điện, các thí sinh cùng theo dõi phần nội dung này nhé!

Đào tạo Kỹ thuật điện tại Đại học Giao Thông Vận Tải 

Con đường dẫn đến thành công!

 

1. Tìm hiểu ngành Kỹ thuật điện

Ngành Kỹ thuật điện là đào tạo những kỹ sư giải quyết vấn đề ở các hệ thống truyền tải và biến đổi năng lượng điện như truyền dẫn và cung cấp năng lượng và điều khiển động cơ, để có thể vận dụng tốt kiến thức và kỹ năng vào công việc thực tế khi ra trường. Ngành học tập trung vào các lĩnh vực có liên quan đến điện, điện tử và điện từ với nhiều chuyên ngành nhỏ như: Cung cấp điện, thiết bị điện, điện tử học, hệ thống điều khiển, xử lý tín hiệu...
ktd capnhat2

Ngành Kỹ thuật điện Đại học Giao thông vận tải có 2 chuyên ngành chính: Trang bị điện trong Công nghiệp và GTVT và chuyên ngành Hệ thống điện giao thông và công nghiệp. Sinh viên được đào tạo về:

   - Thiết kế, lắp đặt, vận hành, sửa chữa các thiết bị điện - điện tử các máy, dây chuyền tự động hóa trong công nghiệp,
     xây dựng & giao thông.
   - Tư vấn, thiết kế lắp đặt các hệ thống điện thông minh, năng lượng mới.
   - Thiết kế cung cấp điện cho nhà máy, phân xưởng, khu đô thị, tòa nhà.
   - Lắp đặt, vận hành, sửa chữa hệ thống cung cấp điện, thiết bị điện trên tàu điện đô thị và đường sắt.
   - Lý thuyết mạch điện - điện tử, thiết kế máy điện và khí cụ điện hiện đại, các nguồn năng lượng gió, mặt trời, hệ thống cung cấp điện cho tòa nhà, nhà máy công nghiệp, quy hoạch và thiết kế hệ thống điện, phân tích và điều khiển hệ thống điện...

Ngoài ra, ngành Kỹ thuật điện còn rèn luyện kỹ năng mềm cho sinh viên bao gồm: Kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, rèn luyện thái độ chuyên nghiệp và đạo đức nghề nghiệp, chuẩn bị khả năng làm việc trong môi trường hiện đại, phức tạp và học tập suốt đời.

 

2. Nhu cầu nhân lực Kỹ thuật điện và cơ hội nghề nghiệp

 

Với xu hướng dịch chuyển các xưởng sản xuất thế giới, các khu công nghiệp và các công ty sản xuất liên tục được đầu tư và phát triển tại Việt nam, tạo ra nhu cầu rất lớn về kỹ sư điện công nghiệp trong tất cả các vị trí từ thiết kế, vận hành đến bảo dưỡng, sửa chữa.

Các công trình giao thông khi triển khai cũng đòi hỏi rất nhiều kỹ sư khai thác, vận hành các thiết bị, máy móc công trình của ngành giao thông.

Trong một lĩnh vực khác, nhu cầu về kỹ sư điện cũng rất lớn là giao thông điện. Trong xu thế xanh hóa, các phương tiện giao thông đang được chuyển đổi mãnh liệt sang giao thông điện: Ô tô điện đang phát triển, các tuyến metro đang được gấp rút đưa vào sử dụng và sẽ triển khai hàng loạt đòi hỏi rất nhiều các kỹ sư điện chuyên ngành Trang bị điện và hệ thống điện Giao thông vận tải.
 

Vị trí công tác sau khi ra trường:

  • Các tập đoàn, khu công nghiệp: Viettel, LiLama, Tập đoàn Hồng Hải, Nhà máy Xi măng, Thiết bị điện Đông Anh, Xí nghiệp điện - cơ Hà Nội, Hapulico, KCN Yên Phong, KCN Đồng Văn,...
  • Nhà máy sản xuất thiết bị điện- điện tử, viễn thông trong và ngoài nước: Samsung, EVN, VNPT, Canon, Foxconn, Intel, LG, Nissan, Panasonic, Towada, Nakagawa, Hoya,…
  • Tổng công ty, các xí nghiệp đường sắt Việt Nam
  • Bên cạnh đó, sinh viên Kỹ thuật điện cũng có thể thực hiện công tác nghiên cứu học thuật tại các đơn vị sản xuất công nghiệp điện tử hóa, tự động hóa hay các phòng thí nghiệp năng lượng gió, năng lượng mặt trời. Làm việc cho Tổng Công ty Điện lực Việt Nam, Tổng công ty Bưu chính Viễn thông,... và các đơn vị trực thuộc. Cuối cùng, với những ai có đam mê về kiến thức hàn lâm khoa học, đều có thể chọn con đường tiếp tục theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu và học tập ở cấp độ cao hơn, như học lên Thạc sĩ, Tiến sĩ. Sau khi có học vị trong tay, bạn có thể làm việc như một giảng viên ngành Kỹ thuật điện tại các cơ sở đào tạo khắp các nước.

 

3. Thông tin tuyển sinh và đào tạo Kỹ thuật điện tại Đại học Giao thông vận tải - Phân hiệu tại Thành phố Hồ Chí Minh.

 

Phân hiệu Trường Đại học Giao thông Vận tải tại TP. Hồ Chí Minh được thành lập theo quyết định số 2419/QĐ-BGDĐT ngày 15 tháng 07 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo trên nền tảng Cơ sở II (được thành lập theo Quyết định số 139/TCCB ngày 27/04/1990 của Bộ Giáo dục và Đào tạo).

Phân hiệu là một bộ phận cấu thành quan trọng của Trường Đại học Giao thông Vận tải trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trường tọa lạc trên diện tích hơn 16ha tại Quận 9, Thành phố Hồ Chí Minh, quy mô đào tạo trên 7000 sinh viên và học viên các hệ.

 

Địa chỉ: 450-451 Lê Văn Việt, Phường Tăng Nhơn Phú A, Quận 9, TP. Hồ Chí Minh

Điện thoại: (028).3896.6798 - (028).7300.1155

Email: banbientap@utc2.edu.vn

Fax: (028).3896.4736 - Website: http://utc2.edu.vn

 

Thông tin tuyển sinh:

Chỉ tiêu: 50 sinh viên

Thời gian đào tạo : 4,5 năm

Mã trường : GSA

Mã ngành : 7520201

Tổ hợp xét tuyển : A00 (Toán Lý Hóa), A01 (toán lý Anh), D01 (Toán Văn Anh)

Các phương thức xét tuyển chính:

- Xét tuyển qua học bạ. Hạn đến 30/6

- Xét tuyển qua điểm thi Tốt Nghiệp Trung Học Phổ Thông

 

Tác giả: Lâm Quang Thái. Giảng viên BM KTĐ - Phân hiệu HCM